- Bút ký - Tạp văn
- Người Hậu Giang
Người Hậu Giang
Chiều nay, vợ chồng tôi có việc đi trên con đường quen thuộc này. Con đường có tên gọi là Quốc lộ 61C. Đây là tuyến đường nối thành phố Vị Thanh tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ, có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 1A với đường dẫn cần Cần Thơ, điểm cuối giao với Quốc lộ 61, có tổng chiều dài tuyến hơn 47 km, rộng 11,5 m. Quốc lộ 61C đi qua Quận Cái Răng, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ), huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang).
Nhà văn Thúy Dung
Tỉnh Hậu Giang được thành lập vào ngày 1 -1-2004, phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh lỵ hiện nay là thành phố Vị Thanh cách thành phố Hồ Chí Minh 240 km theo quốc lộ 61, và chỉ cách 40 km theo đường nối Vị Thanh – TP Cần Thơ. Hậu Giang là tỉnh ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp trũng, độ cao trung bình dưới 2m so với mực nước biển. Tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300km. Tôi ngồi trên xe, nhớ lại những câu chuyện Ba tôi kể về thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ba tôi làm giao liên của Cơ quan Nông dân tỉnh Cần Thơ . Xin phép trích lại những dòng chữ ba ghi trong bản nháp “Hồi kí của Nguyễn Thành Hiệp”:
“Ngày 26 tháng 6 năm 1975, tôi được nghỉ phép về thăm nhà. Mười giờ sáng hôm đó, chiếc xe đò Cần Thơ – Vị Thanh dừng lại trên Cầu Xáng, tôi bước xuống xe, vai đeo ba lô, đầu đội nón cối, đứng trên cầu, nhìn về hướng nhà máy Cháy. Ôi, dòng sông Kinh Xáng đẹp tuyệt. Hai bên bờ sông là những rặng cây xanh biếc, dòng sông dài thẳng tắp, một vẽ đẹp nên thơ và dịu dàng làm sao. Tôi nhìn xuồng máy chạy trên sông tạo thành những đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ, từng giề lục bình nở hoa tim tím chao đảo ngã nghiêng theo đợt sóng. Dòng sông gợi cho tôi nhớ lại tuổi thơ: Tôi từng nhắm mắt, nín thở, nằm ngữa, thả mình để tự trôi… biết bao nhiêu là kỷ niệm thời xa xưa ấy lần lượt hiện về trong trí tôi.
Tôi đi dọc theo bờ sông, thấy một ông già đi ngược về phía tôi, cách khoảng 10 m, tôi nhận ra ông ấy là ba tôi. Dáng người ông cao, có đôi mắt sáng, cặp lông mày đen rậm ngày xưa giờ đã bạc. Tóc ông cũng bạc quá nữa mái đầu. Tôi đoán là ông không nhận ra đứa con đã hơn 20 năm xa cách. Khi khoảng cách gần hơn, tôi ôm lấy ông và gọi: BA ƠI!. Ông đẫy tôi ra, nói: “Mầy là ai mà gọi tao là ba?”. Tôi nói: “Con là Hiệp đây ba”. Ông giơ tay sờ lên mái tóc bên phải, gần vành tai có một vết thẹo. Giọng ông run run: “Đúng là thằng Hiệp con của tôi đây rồi” Ông nói nghẹn ngào trong tiếng nấc: “Má con mất rồi, anh Tư của con hy sinh rồi con ơi”. Nghe xong, nước mắt tôi cũng chảy tuôn dòng, khóc nức nở như ông. Ở nhà được 3 ngày thì tôi đi thăm bà con nội ngoại, ai cũng ngỡ ngàng vì tôi còn sống. Đến ngày thứ 4, tôi cùng ba đi thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Chương Thiện, tìm đến Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Tôi gặp được chú Ba Tân, hồi 9 năm, chú Ba là cán bộ Kinh Tài của Cơ quan Nông dân tỉnh Cần Thơ. Tôi mừng quá, bước đến nắm tay chú Ba và hỏi: “Chú còn nhớ con không” Chú hỏi lại: “Cháu là con của anh Bảy hả? Hơn hai chục năm rồi, chú làm sao nhớ được. Nếu không có anh Bảy đi với con thì làm sao chú nhớ được”. (Ba tôi và chú Ba Tân quen nhau thời 9 năm kháng chiến chống Pháp).
Tôi đưa cho chú Ba lá đơn xin chuyển về quê hương công tác, chú Ba xem xong liền cầm viết, ghi đơn giản: “Ban Tổ chức tỉnh Chương Thiện đồng ý tiếp nhận đồng chí Nguyễn Thành Hiệp và vợ là Trần Thúy Dư về quê hương công tác”. Chú ký tên và đóng dấu rồi trao lại đơn cho tôi. Chú nói: “Sắp tới, năm 1976 Trung ương ở miền Bắc và Trung ương cục miền Nam thống nhất gộp 3 tỉnh lại với nhau gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Chương Thiện thành một tỉnh là Hậu Giang (đây là chủ trương lớn). Khi nào vào lại miền Nam, con đưa đơn này cho Tổ chức tỉnh ủy mới, họ sẽ bố trí nơi làm việc cho”.
Tôi cám ơn chú rồi thưa: “Bây giờ gần trưa quá rồi, con mời chú Ba và ba con ra quán ăn cơm, hoặc ăn hủ tiếu, chú và ba con quyết định”.
Ba tôi nói thêm: “Hơn hai chục năm rồi, chú cháu mới gặp nhau, thôi thì hai anh em mình đi ra quán, đừng để cháu nó buồn”. Chú Ba vui vẻ nhận lời, thu xếp giấy tờ, cùng đi với hai ba con tôi.
Ra tới quán, tôi hỏi: “Ba ơi, ba ăn gì?” Ba tôi đáp: “Răng cỏ rụng hết rồi, ba ăn hủ tiếu nạc không xương”. Chú Ba cũng chọn hủ tiếu. Tôi gọi 3 tô hủ tiếu đặc biệt, 3 ly cà phê đá. Tô đặc biệt quá ngon, quá nhiều, ba tôi ăn không hết. Chú Ba và tôi cố gắng… nhưng vẫn dư chút.
Tôi nói: “Chú Ba còn nhớ ngày ở chợ Chắc Băng, các chú đãi con ăn hủ tiếu đặc biệt, no căng bụng. Khi con ra Bắc, đâu có hủ tiếu mà ăn, con nhớ hoài lần chia tay năm đó”. Chú Ba nói: “Mới đó mà 21 năm, quá nhanh”. Tôi nói: “Không mong thì qua nhanh, còn mong thì quá lâu. Hơn 20 năm con mòn mỏi chờ đợi, con nhớ ba mẹ, anh chị, nhớ quê, con viết đơn tình nguyện về Nam mà không được duyệt”.
Chú Ba nói vui: “Anh Bảy có hai thằng con trai, anh con đã hy sinh, mầy mà về chắc gì còn sống. Thôi chuyện cũ cho qua đi con”.
Tôi trả tiền cho chủ quán thì xe đò vừa đến, tôi vẫy cho xe dừng lại. Tôi bắt tay chú Ba: Con chào chú, năm sau con sẽ về gặp lại chú.
Tôi và ba lên xe về Cầu Xáng….”
Đọc lại những dòng chữ ba kể cảnh gặp lại ông Nội, tôi rất xúc động. Đã 48 năm trôi qua, biết bao thăng trầm, kẻ còn người mất. Năm 1989, ông Nội tôi qua đời. Mấy cây dừa trước cửa nhà Nội cũng được quấn khăn tang. Lúc sinh thời, ông Nội nhớ cháu, đón xe đò lên Cần Thơ, ông luôn mặc bộ bà ba đen, dáng lưng hơi còng. Còn tôi và em gái, do bị say xe nên ít về quê thăm ông. Mỗi lần về, được Nội cưng lắm.
Tuần rồi, tôi qua nhà, kêu ba ca cổ để quay phim. Ba tôi hỏi ca bài gì? Ba ca “Tình anh bán chiếu” đi ba. Ba nói: Ca hai câu thôi nhe. Dạ. Giọng của ba vẫn còn rõ và vang lắm. Người Hậu Giang, ai mà không thuộc bài “Tình anh bán chiếu” phải không mọi người./.
Tháng 3 – 2023
Thúy Dung