TIN TỨC

Bão trái mùa | Khinh An

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
874 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

 

KHINH AN

- Ông Ba kể chuyện con cọp đi! - Thằng Tý lẽo đẽo theo sau ông già 80 tuổi nhì nhằng đòi kể câu chuyện cũ ri cũ rích.     

- Chuyện đó kể hoài à Tý. À mà năm sau cu Tý lên lớp 1 rồi nhỉ?

- Dạ. Má nói sẽ may cho con một bộ đồng phục đẹp. Mua giày mua cặp mua sách vở mới nữa. Mà vậy chứ còn lâu lắm.

Thằng bé cười híp mắt khoe khoang. Ông Ba móm mém cười cùng nó. Ông cẩn thận tỉa từng chiếc lá khô và tưới nước cho giò lan. Chăm hoa lan vậy chứ kỹ lắm. Lo đủ điều chứ chẳng phải bỏ mặc cả năm rồi tới Tết tưới chút nước là nở tươi rói như những người trong xóm vẫn tưởng. Hoa lan rừng hút tinh khí trời đất và bám trên những cành cây để nở. Còn lan rừng mà đã đem về nhà chăm sóc muốn nở đều đặn hàng năm thì phải hiểu nó. Trong xóm này không ai chăm lan khéo như ông Ba nên khi hết Tết họ lại gởi nhờ nhà ông Ba mấy giò lan để ông chăm giùm. Vậy cho nên cái vườn be bé của ông chỗ nào cũng thấy lan, nào là Thủy Tiên, Kim Điệp, Long Tu, nào là Giả Hạc, Hoàng Thảo…

Gần đến Tết, người trong làng khấp khởi chạy qua lấy những giò lan trắng, vàng, tím về nhà chưng cho đẹp nhà đẹp cửa, nhân tiện biếu ông già chai nước mắm, hũ kiệu, gói mứt hay dăm ba cái kẹo. Mỗi lần có ai hỏi bí quyết nào chăm sóc hoa mà giò nào ông chăm đều nở kịp Tết. Lão già cười cười không trả lời. Vì lão biết có nói cũng không ai tin. Lão chỉ dành thời gian trò chuyện với mấy giò lan với tưới nước cho tụi nó khi tụi nó khát.

Ông Ba vừa mới thấy một nụ hoa lan be bé dưới nách chuỗi Long Tu. Ông tủm tỉm cười.

- Hồi xưa ở đây có cọp là thiệt hả ông? - Mặc dù sung sướng khi nghĩ đến những điều mới mẻ trước mắt ở trường nhưng thằng cu Tý cũng không thể nào quên chuyện mấy con cọp ông từng kể.

- Ờ, vùng này khi xưa nhiều lắm.

- Hồi đó ông có tận mắt thấy tụi nó không? Giờ mấy con cọp nó vô rừng ở hết rồi hả ông?

- Ờ, giờ tụi nó ở trong rừng.

- Lâu lâu mấy con cọp nhớ quê tụi nó có quay trở lại đây không ông?

Thằng Tý luôn luôn thắc mắc. Lâu lâu nó hỏi những câu ông không biết giải thích sao cho nó. Ông rất coi trọng việc trả lời những thắc mắc của mấy đứa con nít. Nếu trả lời đúng và kỹ càng cho tụi nó thì sau này lớn lên chúng biết cách sống đàng hoàng. Ông tâm niệm như vậy. Ông đang băn khoăn chưa biết trả lời thằng nhỏ sao thì chị Tứ má thằng Tý đến giải vây.

- Tý ơi, Tý về nhà tắm rửa.

Chị Tứ vào nhà biếu cho ông Ba một bó rau muống xanh mơn mởn.

- Cha, bữa nay khấm khá hay sao mà còn cho cả rau - Ông Ba cười khà khà.

- Bữa nay rau nhiều lắm chú. Nhiều quá ăn không hết, chú ăn giùm tụi con nha. Thằng cu hôm nay chắc lại qua nhà phá không cho ông làm việc

- Không có nó cũng buồn.

- Dạ. Chú Ba ăn rau hôm nay chứ để ngày mai héo ăn không ngon. Thôi con về đây!

- Cảm ơn chị Tứ nhé.

- Cha, có gì mà cảm ơn chú, vợ chồng con cảm ơn chú còn không hết.

Chị Tứ với cu Tý vừa đi, ông Ba thấy quạnh hiu hẳn. Vợ chồng Tứ là hàng xóm nhà ông Ba. Ngày trước anh Tứ làm thợ xây còn chị đi phụ khiêng gạch đá. Đến khi vùng biển quanh đây bắt đầu nghề nuôi lồng bè thủy sản thì anh bám luôn nghề nuôi tôm, còn chị thì quanh quanh trong xóm mùa nào có việc gì thì làm việc nấy. Khi thằng Tý sinh ra cả hai khốn đốn vì trong làng không có người thân thích mà anh chị đều đi làm không có ai trông, nên hồi thằng Tý chập chững biết đi ông Ba tuy không phải là họ hàng thân thích gì nhưng nhận trông giữ nó. Có ông, vợ chồng anh Tứ cũng yên tâm làm việc. Ông Ba rất thương hai vợ chồng anh Tứ, hiền lành siêng năng mà chẳng gặp thời. Lúc làm thợ nề thì anh bị tai nạn sập giàn giáo, chị phải chạy đôn đáo khắp nơi chăm anh khỏe mạnh. Mấy năm nay những ông chủ thủy sản ở đây làm ăn khấm khá nên cũng trả công hậu hĩnh cho đám làm công. Nhờ vậy nhà anh Tứ cũng sắm sửa được cái nọ cái kia. Ông Ba cũng vui lây với hạnh phúc của gia đình nhỏ hàng xóm.

- Chà, chú Ba dậy sớm hỉ! - Anh Tứ đi làm ngang qua cổng chào ông Ba.

- Anh Tứ cũng dậy sớm đó thôi.

- Phải dậy sớm đi làm sớm, chú.

Anh Tứ cười hồn hậu. Anh Tứ làm tận ngoài đảo nên phải dậy sớm lên thuyền. Có mùa anh phải ngủ cả ngày lẫn đêm ngoài bè canh tôm cá cho chủ. Ông Ba nhìn cái dáng người đen sạm cháy nắng của anh Tứ mà thấy thương thương. Nếu thằng Út nhà ông còn sống thì chắc nó cũng trạc tuổi anh Tứ. Mà thằng Út thì dáng nhỏ nhắn thư sinh. Nó hợp với việc dùi mài sách vở chứ không hợp với việc cầm cuốc cầm cày. Nó mà còn sống chắc con đường công danh sự nghiệp cũng tiến tới lắm. Bất giác ông Ba thở dài thườm thượp.

 “Chú Ba nhớ chiều nay qua ăn giỗ nhà thím Tám nha!” - Anh Tứ đi rồi còn quay lại nhắc. Việc gì chứ việc kỵ giỗ ông thì Ba không thể nào quên. Giỗ nào trong xóm cũng không thiếu mặt ông Ba. Là người lớn tuổi trong làng nên ai cũng đến nhờ ông thắp cây nhang đầu.

Thằng Tý năm nay đã lên 6. Sáu tuổi thì cũng đã biết chơi một mình nên ông Ba không còn chăm bẵm nó nhiều như trước nữa. Thằng Tý sau khi chơi chán với chúng bạn trong xóm thì lon ton qua chơi với ông già, thỏ thẻ xin mấy món quà quê mà ông có sẵn như trái ổi trong vườn hay cái bánh da lợn. Sớm nay sau khi quét những chiếc lá rụng trong sân, ông Ba nổi hứng bước ra ngoài chòm xóm thăm con sông quê.

Buổi sớm bên bờ sông gió thổi nhẹ hiu hắt lay lay những bụi tre ven bờ. Xanh của trời, xanh của tre, xanh của nước hòa quyện tạo nên bức tranh quê thanh bình yên ổn. Xa xa ngọn núi Hòn Bồ vươn cao che chở dân làng. Ông yêu cái nơi này quá! Khi mấy đứa con năn nỉ ông lên thành phố ở với chúng cho có người bên cạnh chăm sóc, ông nào đồng ý, dù rất nhớ mấy đứa cháu. Ở thành phố một hai ngày là ông thấy ngột ngạt vì khói bụi và tiếng ồn phố thị, lòng thì vấn vương bồn chồn lo cho mấy giò lan ở nhà không có ai “nói chuyện”. Dù đi đâu thì có nơi nào bằng cái nơi mình sinh ra và gắn bó?

- Ông Ba, ông Ba - Thằng Tý từ đâu chạy tới thở hổn hển.

- Con đi đâu đó?

- Dạ. Con chạy chơi với mấy đứa trong xóm. Thấy ông Ba từ đằng xa nên chạy tới nè. Giờ ông Ba về hả?

- Ờ. Giờ về.

- Con đi về với ông nha!

Thằng nhỏ tíu ta tíu tít nắm tay ông già tóc bạc trắng bước đi trên triền sông đầy nắng. Ngang qua ngôi trường tiểu học làng, thằng nhỏ đứng lại ngó vào bên trong cổng.

- Năm sau con cũng học ở đây nè. Cái trống to quá hơ ông. Ba con nói nếu sau này học giỏi thì con sẽ được mua xe đạp, được lên thành phố học - Nó thích thú nhìn ngôi trường tường thành xi măng vững chắc mơ mộng về tương lai.

Buổi chiều ông Ba tắm rửa sạch sẽ, ăn vận gọn gàng tươm tất qua nhà thím Tám đầu làng ăn giỗ. Lúc ông đến thì mâm cỗ đã bày lên trước chỉ đợi ông đến thắp nhang. Ông kính cẩn đốt nén nhang rồi khấn lạy. Rồi ông đến bàn ngồi đợi nhang tàn và người trong làng đến đông đủ. Mỗi lần ăn cỗ là mỗi lần ông được tận hưởng tình làng nghĩa xóm. Ông ngó những món ăn bày biện trên bàn là đủ thấy no. Mấy cô mấy chị ở đây xuề xòa nhưng đã nấu cỗ thì lúc nào cũng đủ chữ “Ngũ”, màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng, đen rồi món nộm, món chiên, món kho. Phải đủ cả. Và là xứ sông biển nên lúc nào cũng có khoanh cá với tôm chiên bột.

Chỉ cần ngồi im lặng nghe bà con lối xóm kể mấy câu chuyện thường ngày là lòng ông già đủ thấy vui. Ông Ba ở bên bàn này mà vẫn lắng tai nghe anh Tứ kể chuyện làm ở bè cá với mấy anh ở bàn bên cạnh.

- Nằm trong bè nghe tôm nhảy tách tách giữa đêm khuya vui tai lắm. Bữa nào mấy chú ra biển ở trên bè vài đêm với tui chơi nha. Uống rượu ngoài khơi, bắt con cá nướng ăn rồi ca hát. Đời tôi sung sướng ghê! - Anh Tứ vừa hào hứng kể vừa cười sảng khoái.

 *

Mưa, mưa liên tiếp mấy ngày.

Tin cơn bão sắp đổ bộ. Xóm Vĩnh Tường cũng nằm trong tâm bão là đề tài bàn tán mấy hôm nay. Vĩnh Tường nằm trong vịnh nhỏ được bao bọc và che chở quanh năm, nên tin bão khuấy động vùng đất yên lành, khiến đi đến đâu cũng nghe rì rầm bàn tán than thở.

- Lạ nhỉ, làng mình nào giờ có bão.

- Mới là dự báo chứ hướng gió còn thay đổi nhiều lắm.

- Vô tới đất liền là cường độ gió suy giảm thôi à. Mấy cơn bão nào hồi giờ đều vậy hết.

- Ừ thôi, mọi thứ phó mặc cho trời chứ giờ biết tính sao?

Ông Ba có đôi chút ngạc nhiên về cơn bão. Tám mươi tuổi, ông có còn gì nữa đâu mà sợ? Ông hì hục cắt kẽm cột lại tấm bạt che chắn mấy giò lan để gió mạnh khỏi tạt vào.

- Chồng con mà có ở nhà thì đã qua cột giùm chú rồi! - Cô Tứ mang thùng mì mua giùm cho ông Ba.

- Anh Tứ mấy nay không về sao?

- Bão sắp vào mà chú. Phải ở ngoài bè canh tôm cho chủ trong đêm chứ chú.

- Ừ thôi, chị cũng về nhà chèo chống chuẩn bị đón bão vô đi.

Dự báo đêm nay bão sẽ đổ bộ và hướng bão vẫn không đổi. Trưa. Bầu trời im ắng khác thường, mây đen xám xịt u ám cả một góc trời. Loa thông báo người dân chủ động chống bão. Ai cũng ở yên trong nhà, nhà ai vách yếu thì di chuyển đến trụ sở ủy ban. Ông Ba nấu sẵn ấm nước sôi, chế vào bình thủy phòng khi cúp điện có nước dùng.

Gần đến chiều, mưa bắt đầu nặng hạt. Ông Ba ăn cơm sớm hơn thường lệ rồi đứng trong nhà nhìn cơn mưa. Khoảng chập tối, gió bắt đầu rít qua mái nhà. Ông kiểm tra tất cả cửa nẻo, khóa chốt thật chặt. Ông dự ngủ một giấc ngon đến khi tỉnh dậy bão đã qua xem như ông không hề hay biết gì, như là nó chưa bao giờ tồn tại. Vậy mà ông không thể nào nhắm được mắt. Gió giật rít, bên ngoài mưa xối xả. Ông tỉnh dậy toan mở đèn thì nhận ra điện đã cúp. Ông mò lấy hộp quẹt và cây nến trên nóc tủ. Ông cầm cây nến lên nhà thờ từ đường thắp nhang. Dưới ánh nến lờ mờ ông thấy khuôn mặt người vợ năm xưa, thằng con út, cha mẹ mình. Ông cảm thấy không còn cô đơn.

Gió mỗi lúc mỗi mạnh thêm. Cây nến trên bàn thờ vụt tắt. Gió đập dữ dội gào thét từng cơn. Ông Ba tưởng chừng như gió muốn cuốn đi căn nhà của ông. Chưa bao giờ gió mạnh như lúc này. Quần quật hơn hai tiếng thì ngưng. Ngưng một chập thì bất ngờ gió mạnh quay trở lại. Ông Ba đoán chắc bão đi tới núi, đụng núi quay ngược lại hành dân. Đời ông chưa bao giờ trải qua cơn bão nào mạnh như vậy. Mặt đất dưới chân ông như rung chuyển. Gió nhỏ theo khe luồn vào nhà. Lạnh ngắt. Gió lớn đập vách đập cửa như muốn thốc tất cả đi. Mọi thứ trên vách tường lần lượt rớt xuống đổ vỡ. Những cành cây gãy đập mái ầm ầm. Ông Ba ngồi lần tràng hạt cầu nguyện để quên đi cảm giác sợ hãi những cơn gió thốc. Đến 5 giờ sáng thì bão đi khỏi. Gió không còn quần quật nữa. Đợi cho bão yên hơn một tiếng đồng hồ sau ông Ba mới dám mở cửa. Trời còn mưa nhẹ. Khung cảnh vườn tan tác hiện ra trước mắt. Những giò lan nằm chỏng chơ. Tết này vậy là hết lan! Ông ngây thơ nghĩ vài sợi kẽm sẽ giữ được miếng bạt che, nào ngờ bão khốc liệt đến vậy. Cây cối trong vườn đổ ngã tơi tả, đến ngọn cỏ nằm sát mặt đất mà còn xác xơ.

Ông vội vàng chạy qua mấy nhà chòm xóm bên cạnh hỏi thăm. Trụ điện ngã đổ. Tôn, gạch, ván ngổn ngang đầy đường. Người thất thần tím tái không nói nổi một lời. Nhà thím Tám bay mất nóc, trần sụp nước lênh láng. Bức tường thành Trường Tiểu học Vĩnh Tường bị cây ngã đổ nát. Chỗ nào cũng tan hoang, nát bấy. Thấy mà xót xa. Chị Tứ dắt tay thằng Tý mếu máo đi lại.

- Nhà bếp nhà con bay mất nóc rồi chú. Chú trông thằng cu Tý giùm con một chút được không? Con chạy ra bến xem anh Tứ như thế nào? Đêm qua tới giờ con không gọi điện được.

- Ừ.

Ông Tư về nhà dọn sơ sân vườn được chút nào hay chút đó, dọn những cành cây nhỏ nhỏ rồi dựng mấy giò lan trước. Thằng Tý chốc chốc hỏi ông:

- Sao má con đi lâu quá?

- Ba con có làm sao không ông?

- Ông ở đây con đi tìm má con nha!

- Thôi để ông dắt con đi.

Ông Ba dắt thằng nhỏ ra biển. Đến bến đợi ông thấy bao người nhà nức nở mong ngóng đứng đợi người thân. Ông đi đến chỗ chị Tứ.

- Con đợi sáng giờ mà chưa thấy chồng con về chú ơi! Vài chuyến thuyền ra đón người ngoài bão mà chưa thấy bóng dáng chồng con đâu hết! - Chị Tứ nức nở.

Một chuyến thuyền nữa cập bến. Chị Tứ lật đật chạy đến thuyền tìm chồng. Ông Ba nghe có tiếng lao xao.

- Ngoài đó mất trắng hết.

- Xác người nổi lềnh bềnh.

- Tụi tôm cá được phóng sinh ra biển lớn.

 Người xuống hết rồi vẫn chưa thấy anh Tứ. Chị Tứ đứng rơm rớm nước mắt, người run bần bật. Đôi mắt đỏ âu ngóng những gia đình có người trở về...

Ông Ba đứng bên cạnh im lặng. Gia đình ai đã thấy người thân thì dìu nhau về. Người chưa thấy mắt đỏ hoe ngóng trông. Sóng biển bấp bênh đánh dạt vào bờ những miếng ván, lồng, miếng lưới nát bươm. Càng về chiều càng có nhiều người đứng đợi. Quanh cảnh càng thê lương. Thuyền cập bến mang theo mấy xác người cong queo, tiếng khóc nấc vang lên. Những ngày tiếp theo màu tang tóc sẽ nhuộm trắng vùng này. Bất giác ông Ba ứa nước mắt. Dân mình bao giờ mới hết khổ?

- Ba, ba! - Thằng Tý la lên, chạy lẹ về phía trước.

Chị Tứ ngừng khóc, nhận ra dáng chồng. Cả ba gặp nhau mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc ròng. Một đêm mà dài như cả thiên thu.

Bốn người về lại xóm. Anh Tứ không sao là chị Tứ an lòng. Còn người là còn tất cả, những thứ khác tính sau. Trên đường về anh Tứ kể lại chuyện vật lộn với sóng lớn hồi đêm để giữ bè tôm cho chủ. Sức người đâu lại sức trời. May cho anh còn đủ sức bám miếng ván bơi...

- Con sợ lắm chú ơi, thấy người sắp chết chìm giơ tay lên mà không thể làm gì, sợ lắm chú ơi!

 *

Bão qua. Mưa tạnh. Đêm hôm đó quanh xóm tối thui vì cúp điện. Giữa khuya, mây tan, trăng rằm dần dần hé lộ soi sáng cho một lão già lau bùn trên bờ thềm. Trăng chiếu xuống vệt nước sáng loang loáng bậc thềm.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm